Với mục đích trang bị cho viên chức, người lao động và sinh viên những kiến thức cơ bản về hoạt động sơ cứu, hướng dẫn những thao tác sơ cấp cứu ban đầu để trợ giúp nạn nhân trước khi nhân viên y tế đến nơi, chiều ngày 22/05/2024, tại Hội trường 202, cơ sở Hồ Hảo Hớn, Quận 3, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn sơ cấp cứu năm học 2023 – 2024 cho viên chức, người lao động và sinh viên Trường.

Toàn cảnh chương trình

Tham dự chương trình có TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường, ThS. Hồ Minh Nhiên – Phó Chủ tịch Công đoàn Trường, BS CKI Nguyễn Ngọc Quân – Trạm y tế trường, ThS. BS. Phạm Đình Quyết – Phó Trưởng Phòng Trung tâm cấp cứu 115, cùng sự hiện diện của quý thầy, cô là giảng viên, nhân viên, người lao động và sinh viên quan tâm đến chuyên đề.

Tại chương trình, ThS. BS. Phạm Đình Quyết – Phó Trưởng Phòng Trung tâm cấp cứu 115 chia sẻ: “Việc sơ cứu là vô cùng cần thiết, bởi trong thời gian chờ đợi bác sĩ hoặc những người cấp cứu đến, nạn nhân có thể lâm vào tình trạng nguy hiểm hoặc không thể cứu được nữa, ngay cả khi đã đưa đến bệnh viện. Sơ cứu giúp ngăn không cho tình trạng của nạn nhân ngày càng xấu đi và tạo cơ hội phục hồi cũng như cứu sống họ. Sơ cứu đôi khi chỉ cần một vài bước đơn giản, nhưng lại có thể cứu sống một người.”

ThS. BS. Phạm Đình Quyết – Phó Trưởng Phòng Trung tâm cấp cứu 115 chia sẻ tại chương trình

Trong phần tiếp theo của buổi tập huấn, ThS. BS. Phạm Đình Quyết – Phó Trưởng Phòng Trung tâm cấp cứu 115 chia sẻ các phương pháp sơ cứu người bệnh trong các trường hợp: bị chảy máu, chấn thương xương khớp, bị đuối nước, điện giật, đột quỵ, co giật, bỏng nhiệt, phơi nhiễm hóa chất,… Đồng thời, tạo điều kiện cho người tham gia thực hành các phương pháp ép tim, vỗ lưng ấn ngực, thủ thuật Heimlich. 

Phần trình bày kỹ thuật nẹp cẳng tay sơ cấp cứu cho người bị gãy xương

 

Kỹ thuật vỗ lưng ấn ngực khi sơ cứu người bệnh bị tắc nghẽn đường thở cấp tính

 

Người tham gia thực hành phương pháp ép tim

Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi với những chia sẻ đến từ phía diễn giả và các cuộc thảo luận xoay quanh các câu hỏi như: khi bị chấn thương thì phải sơ cứu như thế nào, cách chăm sóc vết thương ở nhà, phải làm gì để hỗ trợ nạn nhân bị đuối nước,… Qua đó, chương trình mong muốn mỗi cá nhân cần phải nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc sơ cứu trong cuộc sống hằng ngày, từ đó góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe và an toàn cho cộng đồng. 

Sinh viên sôi nổi đặt câu hỏi tại chương trình

Chương trình thể hiện sự quan tâm của nhà Trường đối với viên chức, người lao động và sinh viên, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cứu để nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, giảm thiểu rủi ro, bảo về tính mạng và sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh.

TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường trao giấy chứng nhận cho viên chức, người tham gia

 

Viên chức, người lao động và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm chương trình

Bài viết: Thu Hà.

Hình ảnh: Quốc Anh.