Từ ngày 15-17/10/2024, tại thủ đô Islamabad, Pakistan, Đoàn công tác Trường Đại học Mở TP.HCM do TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng dẫn dắt tham dự Hội nghị thường niên của Hiệp hội các trường đại học Mở châu Á lần thứ 37 (AAOU 2024) với chủ đề “Mở rộng tầm nhìn: Đổi mới trong học tập mở và từ xa”.
Hội nghị năm nay do Trường Đại học Mở Allama Iqbal (Allama Iqbal Open University) tại Islamabad, Pakistan đăng cai tổ chức, với 185 bài tham luận được trình bày tập trung vào các vấn đề như Áp dụng công nghệ trong đào tạo từ xa (trong đó có việc ứng dụng công nghệ AI, chatGPT), đổi mới phương pháp
giảng dạy, chính sách và xu thế phát triển của giáo dục mở và từ xa (ODE), thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO (SDG 4), vấn đề kiểm định chất lượng, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Đoàn công tác Trường Đại học Mở TpHCM chụp với GS.TS Nasir Mahmood – Hiệu trưởng và TS. Zahid Majeed – Giám đốc Văn phòng Hợp tác và Trao đổi Quốc tế của trường Đại học Mở Allama Iqbal, Pakistan
Tại Hội nghị, Đoàn công tác Trường Đại học Mở TP.HCM tham gia chia sẻ 2 bài tham luận, nêu những kiến nghị tập trung vào các chủ đề về thực trạng và giải pháp nhằm thúc đẩy việc giảng dạy và học tập hình thức trực tuyến trong điều kiện công nghệ số hiện nay. Bên cạnh đó, Đoàn còn tích cực tham gia các phiên họp toàn thể, các phiên song song cũng như gặp gỡ, trao đổi tăng cường khả năng hợp tác cùng một số trường Đại học Mở trong khu vực.
Các Thầy, Cô tích cực tham gia chia sẻ tại Hội nghị
Hội nghị lần này đã thu hút sự quan tâm đông đảo các giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách từ khắp châu Á và một số quốc gia khác. Theo đó, Hội nghị tập trung thảo luận về tương lai của học tập trực tuyến và từ xa, về cách đổi mới và công nghệ để có thể thu hẹp khoảng cách giáo dục trong cộng đồng, những chủ đề rủi ro và tiềm năng của AI trong học tập mở từ xa, hệ thống hỗ trợ người học, ảnh hưởng của thời kỳ Covid-19 đối với thực hành học tập mở và từ xa ….
Với tinh thần hợp tác và kết nối chia sẻ, Hội nghị tạo nên cơ hội để tăng cường phát triển mạng lưới đào tạo hình thức từ xa giữa các cơ sở giáo dục ở Châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
Bên cạnh việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đổi mới giữa các giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách để phát triển năng lực của bản thân và thúc đẩy sự phát triển đào tạo thì Hội nghị AAOU cũng tập trung vào những sáng kiến nhằm cải thiện quy trình đảm bảo chất lượng tại các trường đại học Mở ở Châu Á, đặc biệt là việc đề xuất bộ tiêu chuẩn chung của AAOU, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cam kết của AAOU trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục mở và từ xa trên toàn thế giới.
Đoàn chụp với GS.TS Ojat Darojat – Chủ tịch AAOU/Hiệu trưởng Đại học Terbuka, Indonesia