Trẻ em là tương lai của đất nước, là những mầm non cần được nuôi dưỡng và bảo vệ để phát triển thành những công dân đóng góp cho xã hội. Chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự đầu tư cho tương lai của dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thế nhưng, ngoài những kết quả này thì vẫn còn không ít trẻ em vẫn đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục, y tế và các điều kiện sống cơ bản. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ mỗi trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là sự chung tay của toàn xã hội.
Trước bối cảnh đó, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên xã hội, giảng viên trẻ và sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội (CTXH), sáng ngày 14/8/2024 tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Quận 3, Trường Đại học Mở TP. HCM phối hợp với Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC), Câu lạc bộ CTXH Chuyên nghiệp TP.HCM, với sự hỗ trợ tài kinh phí của Wallonie-Bruxelles International, Phái đoàn Wallonie Bruxelles tại Việt Nam và Tổ chức Dynamo International tổ chức Tọa đàm khoa học “Công tác xã hội với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đường phố: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tế Việt Nam”.
Toàn cảnh tọa đàm
Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Mở TP.HCM có TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng; ThS. Lâm Thị Ánh Quyên – Phó trưởng Khoa Xã hội học – Công tác xã hội – Đông Nam Á. Về phía các đơn vị phối hợp và đồng hành hỗ trợ có ThS. Nguyễn Ngọc Phúc – Giám đốc Trung tâm CSWC, Chủ nhiệm CLB CTXH Chuyên nghiệp TP.HCM, Ông Pierre Du Ville – Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie Bruxelles tại Việt Nam, Ông Edwin DE BOEVE, Giám đốc, Tổ chức Dynamo International….; cùng với đó là sự hiện diện của lãnh đạo các tổ chức, đơn vị, các mái ấm, cơ sở Bảo trợ xã hội, trường tình thương, đại diện các Khoa/Bộ môn CTXH và sinh viên ngành CTXH các Trường.
Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường khẳng định, kết quả của buổi tọa đàm sẽ là cơ sở để Nhà trường cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, và xây dựng chiến lược hợp tác với các tổ chức bên ngoài nhằm giải quyết các vấn đề xã hội một cách khoa học và toàn diện. Nhà trường mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến thiết thực, góp ý từ các đại biểu, để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực công tác xã hội.
TS. Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường phát biểu tại chương trình.
Ông Edwin de Boevé – Giám đốc tổ chức Dynamo International cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên sáng lập Dynamo International – một mạng lưới nhân viên xã hội đường phố quốc tế gồm 57 quốc gia và được ghi nhận có nhiều thành tựu trong lĩnh vực đào tạo, xuất bản, công tác vận động rất tích cực ở cấp địa phương và quốc tế, hỗ trợ cho nhiều dự án ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ. Với mạng lưới hơn 150 nhân viên xã hội từ nhiều tỉnh thành, tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, hội thảo mang tính xây dựng và thường xuyên với các cơ quan ban ngành liên quan đến các vấn đề xã hội và bảo vệ trẻ em, CTXH tại Việt Nam đã thực sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ.”
Trong khuôn khổ chương trình, 03 tham luận chính do các diễn giả trong và ngoài nước đã khái quát bức tranh thực trạng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hiện nay tại Việt Nam và các nước quốc tế.
Ông Pierre Du Ville, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phát biểu tại chương trình
ThS. Phan Thị Mai Quyên trình bày tham luận “Vấn đề xâm hại tình dục ở nhóm trẻ em đường phố tại Việt Nam”.
Bà Phạm Thị Minh Nguyệt trình bày tham luận “Phương pháp đồng hành cùng gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đường phố”.
Tiếp đó, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với những phát biểu chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn của nhân viên CTXH trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như nâng cao nhận thức cộng đồng cho trẻ thay vì đưa vào trợ giáo dưỡng.
Ông Nguyễn Điệp – Thành viên mạng lưới Dynamo báo cáo tóm tắt về hoạt động giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đường phố tại Đà Nẵng.
Toạ đàm đã thu hút gần 100 đại biểu, sinh viên đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học trên cả nước với nhiều ý kiến đa chiều, đóng góp thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách như nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội, huy động nguồn lực xã hội, và các giải pháp đồng hành cùng gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Một số hình ảnh chương trình:
Trường Đại học Mở TP.HCM cùng các đơn vị chụp ảnh lưu niệm
Sinh viên tham dự tọa đàm
Nhà tài trợ, đối tác nhận quà lưu niệm từ nhà Trường
Bài viết: Mỹ Hằng
Hình ảnh: Quốc Anh