Sáng ngày 28/8/2024, Trường Đại học Mở TP.HCM tổ chức Chuyên đề “Xử lý khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh hiện nay” tại Hội trường 602, cơ sở 97 Võ Văn Tần, Quận 3. Báo cáo viên của chương trình TS. Tô Đình Tuân – Tổng biên tập Báo Người Lao Động cùng sự hiện diện của viên chức, học viên và sinh viên của trường.

Tổng quan chương trình

Ông Hồ Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng Công tác Sinh Viên và Truyền thông chia sẻ “Trong thời đại công nghệ số, thông tin lan truyền với tốc độ nhanh chóng, truyền thông xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Song song với những lợi ích to lớn, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng truyền thông. Tin rằng, buổi chuyên đề hôm nay sẽ giúp viên chức và học viên, sinh viên có thể ứng phó và xử lý được các tình huống khủng hoảng truyền thông, cũng như xây dựng hình ảnh cá nhân, hình ảnh Trường, môi trường mạng xã hội ngày càng tốt đẹp.”

Ông Hồ Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng Công tác Sinh Viên và Truyền thông phát biểu tại chương trình

TS. Tô Đình Tuân – Tổng biên tập Báo Người Lao Động cho biết “Khủng hoảng truyền thông là tình trạng mà một tổ chức phải đối mặt với một sự kiện có tác động tiêu cực đối với cộng đồng bất ngờ phát sinh và trở thành “bão” dư luận. Các sự kiện này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đối với cá nhân, tổ chức và cộng đồng, nó có thể làm cho tổ chức bị công chúng đồng loạt lên án hoặc có ý định cắt đứt quan hệ”.

TS. Tô Đình Tuân – Tổng biên tập Báo Người Lao Động báo cáo Chuyên đề

Trong phần trao đổi và giải đáp thắc mắc với người tham dự, TS. Tô Đình Tuân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân trong xử lý khủng hoảng truyền thông. Một thương hiệu cá nhân vững mạnh chính là lá chắn bảo vệ trước những thông tin sai lệch. Đồng thời, việc duy trì một mạng lưới quan hệ tích cực trên các nền tảng xã hội sẽ giúp thông tin được đính chính nhanh chóng và phục hồi danh tiếng hiệu quả. 

“Báo chí giải pháp giải quyết được rất nhiều vấn đề, không chỉ đơn thuần đưa tin về các sự kiện, mà còn đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đánh giá các tác động và quan trọng nhất là đề xuất những giải pháp khả thi để cải thiện tình hình. Điều này cho thấy, báo chí giải pháp không chỉ là lý thuyết mà còn là một công cụ thực sự hữu ích để xử lý khủng hoảng truyền thông” – TS. Tô Đình Tuân chia sẻ thêm.

Sinh viên tham gia thảo luận

 

Viên chức, người lao động Trường tham gia thảo luận

Tin rằng, sau buổi chuyên đề, người tham dự đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích cũng như cách xử lý bài bản, hợp lý các tình huống khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra trong cuộc sống và công việc.

TS. Tô Đình Tuân, viên chức, học viên và sinh viên chụp ảnh lưu niệm

Bài viết: Mỹ Hằng

Hình ảnh: Minh Khánh